Vịnh Hạ Long quản lý tàu qua GPS

TTM-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết đã có 230 tàu du lịch (trong tổng số 517 tàu) đang hoạt động trên vịnh Hạ Long được lắp đặt hệ thống quản lý, kiểm tra hoạt động bằng công nghệ định vị toàn cầu (GPS).

Tàu du lịch Vịnh Hạ Long được gắn gps quản lý

Đây là hệ thống để quản lý đồng thời thông báo phương án ứng phó với các tình huống xấu, đảm bảo an toàn cho tàu và du khách đi tham quan vịnh.

Việc lắp đặt hệ thống GPS cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long nằm trong dự án đầu tư hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bằng công nghệ định vị vệ tinh với tổng mức đầu tư là 12,2 tỉ đồng.

Cẩn trọng với phần mềm chống trộm… điện thoại

TT – Hiện nay có rất nhiều phần mềm bảo mật chuyên chống trộm (hoặc có tính năng chống trộm) cho người dùng smartphone lựa chọn như: Mobile Me, Lookout Mobile Security (dùng cho iPhone, iPad 3G), HTCSense.com (điện thoại HTC), BlackBerry Protect (BlackBerry), Find my phone, Mobile Defense… hay phần mềm của các công ty đã có mặt tại Việt Nam: Kaspersky Mobile Security, Bkav Mobile Security (iPhone, Android)…

 

Phần mềm bảo mật cho điện thoại di động của Kaspersky

Người dùng chỉ việc cài đặt các phần mềm vào máy và khai báo thông tin cá nhân, số điện thoại dự phòng cho nhà cung cấp phần mềm là có thể kích hoạt các tính năng bảo vệ điện thoại đang sử dụng.

Chẳng hạn với phần mềm bảo mật Kaspersky Mobile Security, chức năng chống trộm (anti-theft) gồm bốn lựa chọn: khóa thiết bị kèm theo thông báo gửi đến kẻ cắp (block), xóa bỏ thông tin cá nhân và các dữ liệu tùy chọn lưu trong máy (Data Wipe), thông báo số điện thoại mới vừa lắp đặt vào máy (Sim Watch), thông báo vị trí hiện thời của thiết bị qua định vị GPS (GPS Find). Các tính năng này đều được thực hiện từ xa dễ dàng thông qua các lệnh SMS từ số điện thoại dự phòng.

Mặc dù có khá nhiều sự lựa chọn nhưng theo các chuyên gia công nghệ, người dùng phải cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn phần mềm bảo vệ smartphone và dữ liệu cá nhân của mình.

Ông Ngô Trần Vũ – giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS Security, nhà phân phối các phần mềm bảo mật của Hãng Kaspersky tại Việt Nam – cho biết: “Chúng tôi cảnh báo người dùng tránh cài đặt các phần mềm bảo mật miễn phí không rõ nguồn gốc hoặc các ứng dụng bẻ khóa. Đó có thể là cổng xâm nhập của virút và hacker mà vô tình người dùng cài đặt vào smartphone. Khi cài đặt các ứng dụng mới, người dùng smartphone nên kiểm tra kỹ về tập tin cài đặt và cả nhà sản xuất phần mềm”.

Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Bkav, cũng cho biết nhiều phần mềm bảo mật miễn phí có yêu cầu cho truy cập thông tin cá nhân nhưng người dùng thường không để ý khi cài đặt.

“Nhà cung cấp thường đưa một chi tiết nhỏ yêu cầu cho phép họ lấy các thông tin như: SMS, tọa độ… trong một trang điều kiện sử dụng rất dài dòng mà người dùng hiếm khi để ý. Hậu quả sau đó là người dùng có thể bị thu thập thông tin cá nhân, bị theo dõi các nơi đi đến, nhận các quảng cáo theo vùng…” – ông Sơn nói.

Tệ hại hơn, nhiều người dùng có thể bị người khác lén cài đặt các phần mềm trên vào điện thoại và âm thầm theo dõi các hoạt động đi đến, thậm chí cả nội dung tin nhắn, cuộc gọi, email…