Cẩn thận với công cụ theo dõi nhân viên qua điện thoại

Năm ngoái, khi một nhân viên gọi điện đến xin nghỉ bệnh, Scott McDonald, Tổng giám đốc Công ty Vệ sĩ Monument Security ở California, quyết định điều tra.

sếp luôn quan sát bạn ở mọi nơi!

Ông đã thông báo cho đội ngũ nhân viên gồm 400 vệ sĩ và lái xe tuần tra của mình rằng, công ty đã cài đặt Xora, một chương trình điện toán sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để theo dõi vị trí các máy điện thoại di động mà công ty trang bị cho họ. Xora thậm chí còn cảnh báo cho ban giám đốc khi có nhân viên đi lang thang hoặc chạy xe quá tốc độ.Hôm ấy khi vào mạng, Scott phát hiện người nhân viên xin nghỉ ốm thay vì nằm trên giường thì đang chạy xe trên xa lộ về phía các sòng bài ở Reno (bang Nevada) !
Viên quản lý một công ty tin học ở vùng Đông Bắc ngạc nhiên khi thấy năng suất của một nhân viên sút giảm đột ngột. Dùng phần mềm SurfControl, ông phát hiện nhân viên ấy dành quá nhiều thời gian cho một trang web có vẻ vô hại nhưng thực chất là một trang web đen…

Xora và SurfControl chỉ là hai trong số rất nhiều công nghệ mới bùng nổ trong vòng hai năm qua – chuyên theo dõi vị trí, giám sát điện thoại và video, thậm chí điều tra – giúp các nhà quản trị hiểu rõ hơn nhân viên của mình. Điệp viên không ở đâu xa, điệp viên đang ngồi chễm chệ trên bàn làm việc của bạn – đó là chiếc máy vi tính.

Bởi vậy, thiết tưởng các nhân viên trong thời đại tin học cần lưu ý và nhớ nằm lòng: những gì bạn làm nơi công sở đều là đối tượng theo dõi của ông chủ!
“Về căn bản không có việc gì anh làm trên máy tính ở công sở là không thể theo dõi được,” Jeremy Gruber, một chuyên gia tin học, nhận xét. Theo điều tra của Trung tâm Đạo đức Kinh doanh Hoa Kỳ, cứ 10 ông chủ thì có chín người quan sát hành vi điện tử (electronic behaviour) của nhân viên.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Quản trị Hoa Kỳ xác nhận 76 % các ông chủ để ý việc lướt web và 36 % theo dõi nội dung; thậm chí 38 % thuê chuyên gia “khám” thư điện tử của nhân viên. Đáng sợ hơn, trong 12 tháng qua ở Mỹ có 32% số nhân viên bị sa thải do vi phạm chính sách thư điện tử như gửi ra ngoài những thông tin mang tính rủi ro về luật pháp, tài chính, điều hành hoặc quan hệ công chúng… của công ty.

Có thể bạn sẽ nghĩ với hàng núi e-mail mỗi ngày, mình có thể “lẩn” được. Nhầm to! Những phần mềm tinh vi giúp các ông chủ dễ dàng tìm ra nhân viên nào để rò rỉ bí mật kinh doanh hoặc đùa cợt tục tĩu trong thư điện tử.

Merrill Lynch và Boeing đã sử dụng phần mềm Palisade giúp nhận diện dữ liệu dưới nhiều dạng khác nhau. Các chương trình SurfControl, Message-Gate và Workshare kiểm tra e-mail theo một số từ khóa lập sẵn, ví dụ họ tên tổng giám đốc, tên sản phẩm của công ty.

Một số công ty luật và tài chính ở phố Wall thậm chí còn “chặn”, không cho nhân viên dùng các địa chỉ e-mail cá nhân như Gmail, Yahoo! Mail ở nơi làm việc.
Nhưng máy vi tính không phải là kẻ mách lẻo duy nhất. Hơn một nửa số ông chủ ở Mỹ theo dõi thời gian mà nhân viên gọi điện thoại, thậm chí nghe trộm nội dung các cuộc điện đàm. Tỷ lệ này vào năm 2001 chỉ là 9 %.

Có bao giờ bạn gọi điện cho người quen ở công ty khác và nghe tổng đài thông báo: “Cuộc gọi đang được theo dõi nhằm bảo đảm chất lượng đàm thoại tốt nhất” chưa? Nếu có thì đó là dấu hiệu cho thấy cuộc điện đàm của bạn đang lọt vào tai một kẻ thứ ba trong khi người quen của bạn không hề hay biết!

Các chương trình theo dõi điện thoại như Nice Systems thậm chí còn can thiệp vào cuộc điện đàm khi bạn hét to hơn một âm lượng nào đó hay khi bạn nói ra tên của đối thủ cạnh tranh!

Việc sử dụng trang web cá nhân (blog) đang là mốt thời thượng, nhưng các blogger hãy coi chừng. Một số nội dung bạn đưa lên blog để chia sẻ với bạn bè có thể bất lợi nếu ông chủ nhìn thấy chúng ; tốt nhất là đừng bao giờ sử dụng blog để bày tỏ sự bất mãn của mình.

Các công ty đều biết rằng không thể cấm nhân viên xây dựng blog riêng nhưng gần đây một số nhân viên của Google, Microsoft và Delta Airlines bị đuổi việc chỉ vì các nội dung trong blog của họ.

Thế thì quyền riêng tư, tự do cá nhân của người nhân viên ở đâu? Hẳn bạn có nghe nói tới trường hợp bà Patricia Dunn, Chủ tịch Tập đoàn Hewlett-Packard (HP) vừa từ chức và ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi cuối tháng Chín vừa qua? “Tội” của bà Dunn là đã thuê thám tử giả danh người của công ty để thu thập nội dung điện đàm của các nhân vật trong ban giám đốc HP và các nhà báo để truy tìm ai là người để rò rỉ các thông tin mật của công ty cho giới báo chí. Bà đã tìm được người đó, song hành vi của bà bị lên án dữ dội, thậm chí có thể bị truy tố trước pháp luật trong thời gian tới.

Có điều cần lưu ý là cho tới nay, giới luật pháp ở Mỹ tập trung phê phán tội “giả danh” (pretexting) hơn là hành vi thuê người theo dõi đồng sự của bà Dunn. Giả như bà Dunn không thuê thám tử giả danh mà sử dụng phần mềm điện toán thì có thể bà sẽ vô sự.

Nhìn chung, giới chủ doanh nghiệp đều ủng hộ việc theo dõi nhân viên trong giờ làm việc. Họ lập luận rằng mình không chỉ bảo vệ bí mật kinh doanh và tài sản trí tuệ mà còn bảo đảm rằng nhân viên chấp hành luật pháp của nhà nước.

Một tòa án ở bang New Jersey thậm chí còn phán rằng, ông chủ có trách nhiệm điều tra việc nhân viên xem các trang web khiêu dâm trẻ em và phải báo cho cảnh sát! Luật sư Anthony Oncidi, phụ trách về lao động và việc làm của hãng luật nổi tiếng Proskauer Rose, nhận xét : “Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp nhân viên kiện ông chủ vi phạm quyền riêng tư cá nhân mà thắng được.”

Các công ty hoàn toàn có thể tránh được trách nhiệm pháp lý nếu họ đã báo trước cho nhân viên biết về hoạt động của các hệ thống theo dõi điện toán. Ngay cả khi công ty chưa thông báo như vậy, những khiếu kiện về quyền riêng tư nơi công sở cũng khó mà đứng vững.

Trong 50 tiểu bang ở Mỹ, chỉ có hai tiểu bang Connecticut và Delaware đòi hỏi các ông chủ phải thông báo cho nhân viên song cũng không hề hạn chế việc theo dõi của ông chủ.

“Họ làm gì ở nhà thì tôi không cần biết nhưng những gì họ làm ở công sở, trong giờ làm việc, bằng phương tiện làm việc của công ty đều là mối quan tâm của tôi”, Scott McDonald nói.

Chín điều tâm niệm của nhân viên thời tin học
1. Hiểu rõ chính sách của công ty.
2. Chỉ lướt web khi rảnh rỗi.
3. Nghĩ tới nghĩ lui trước khi ấn phím “Send”.
4. Đừng đưa lên blog những suy nghĩ liên quan tới chính trị-tôn giáo ; cũng đừng đưa những trò đùa có thể gây hại như cuộc thi uống bia ở cơ quan chẳng hạn.
5. Cẩn thận với các văn bản Word ; các phần mềm như Workshare có thể khôi phục những câu, những dòng bạn đã xóa đi trong văn bản hoặc e-mail.
6. Giữ mồm giữ miệng ; đừng sử dụng hộp thư thoại (voicemail) với những thông tin mà bạn không muốn ông chủ nghe thấy.
7. Cẩn thận khi chuyển tiếp (forward) các e-mail vì bạn không biết thái độ của người nhận nó có giống như thái độ của bạn hay không.
8. Sử dụng mật khẩu (password) để ngăn sự truy cập không mong muốn vào máy tính của bạn.
9. Không có tình dục ở nơi làm việc. Đừng bao giờ xem phim ảnh đồi trụy ở văn phòng.

Theo Time-TBVTSG

Những công nghệ kỳ diệu ra mắt trong năm 2013

Internet vật thể (IoT), mạng 5G Wi-Fi, TV OLED, máy in 3D sẽ là những công nghệ mới của năm 2013

Không giống các dự đoán có phần nào kém lạc quan về kinh tế và chính trị thế giới, năm 2013 được dự báo sẽ xuất hiện một số công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nghe qua như phim, truyện khoa học viễn tưởng, sẽ bùng nổ và đi vào đời sống con người nhanh hơn người ta tưởng.

Những sản phẩm gia dụng mới trong năm 2013 sẽ cực kỳ thú vị, với máy in 3D, Internet vật thể (Internet of Things, viết tắt IoT), TV OLED và siêu nét, mạng 5G Wi-Fi…

Chế tạo đồ vật bằng máy in 3D

Theo báo mạng ZDNet, máy in công nghệ 3D mấy năm nay được dùng giới hạn trong các công ty, xí nghiệp sẽ trở thành một tiện ích trong gia đình như điện, nước, internet… từ năm 2013. Phát minh tại Mỹ năm 1995, công nghệ in 3D cho phép người dùng tạo ra một vật thể bất kỳ bằng một phần mềm đồ họa không gian 3 chiều (3D) rồi “in nổi” vật thể đó bằng máy in 3D đã được cấp bản quyền năm 1987 và bắt đầu đưa ra thị trường từ năm 1990.

Những sản phẩm của máy in 3D. Ảnh: RHS.

Ban đầu, do giá thành quá cao (cả triệu USD), máy in 3D chỉ được dùng trong các công ty dịch vụ. Chẳng hạn như Shapeways cung cấp dịch vụ in 3D cho khách hàng cá thể và doanh nghiệp. Sau đó, máy in 3D để bàn dành cho cá nhân bắt đầu xuất hiện trên thị trường với giá tương đối rẻ (thấp nhất hiện nay là máy in Cube của 3D System, giá 1.299 USD). Với cách sử dụng được cải tiến theo hướng tiện dụng, máy in 3D nhờ khả năng tạo ra những vật thể theo trí tưởng tượng sẽ là một chọn lựa mới của người tiêu dùng.

TV OLED, TV siêu nét

Máy truyền hình tương lai TV OLED không dùng đèn nền, thân thiện với môi trường và ngày càng mỏng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Tháng 5/2012, hãng LG đã giới thiệu TV OLED 55 inch,  dày 5mm. Tuy nhiên, mức giá 8.000 USD là rào cản duy nhất khiến nó chưa trở thành thông dụng.

Trong lĩnh vực TV thế hệ mới siêu nét Ultra High–Definition (UHD), năm 2013 sẽ tiếp tục chứng kiến sự canh tranh quyết liệt giữa LG và Sony. Năm 2012, Sony đã trình làng TV 4K (tức UHD) mã hiệu XBR-84X900 và LG giới thiệu mẫu TV 4K mã hiệu 84LM9600 ở Việt Nam. Cả hai đều là TV LED màn hình rộng 84 inch với độ phân giải 3840 x 2160. Mỗi nhãn hiệu đều có thế mạnh của mình nhưng với giá 15.000 USD (LG) và 20.000 USD (Sony), chắc chắn chúng sẽ rất kén người mua.

Internet vật thể

Một trong những khái niệm công nghệ sẽ được nói tới nhiều trong năm tới là IoT. Theo khái niệm này, mọi vật thể chung quanh chúng ta liên kết với nhau thông qua mạng internet, NFC (công nghệ giao tiếp tầm ngắn) và Bluetooth, tương tác với nhau mà không cần sự can thiệp của con người.

Trong cuộc sống thường ngày chúng ta, có thể kể vài ví dụ về IoT: máy in trong công ty tự động báo với nhà sản xuất rằng nó sắp hết mực, tủ lạnh trong nhà bạn thông qua Internet hoặc điện thoại thông minh báo với chủ nhân rằng sữa đã hết cần bổ sung… Công nghệ IoT được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2013.

Công nghệ AR

Augmented Reality (AR – tạm dịch: tương tác thực tế) cũng là một công nghệ máy tính mới đưa các vật ảo vào thế giới thật. Một trong những ví dụ dễ hiểu về ứng dụng công nghệ AR là khi đi du lịch, hướng điện thoại thông minh (iPhone chẳng hạn) vào một con đường nào đó, trên màn hình điện thoại của bạn, nhờ công nghệ AR, sẽ hiện lên thông tin về ngân hàng, máy ATM, nhà hàng, quán cà phê gần nhất. Hoặc ở TPHCM, hướng chiếc iPhone vào nhà thờ Đức Bà, trên màn hình iPhone sẽ hiện ra những thông tin liên quan đến công trình kiến trúc nổi tiếng này.

Nhóm tin tặc Anonymous có thể bị Chính phủ lợi dụng. Ảnh: VD.

Nguy cơ an ninh mạng

Những dự báo và triển vọng về công nghệ trong năm tới không chỉ có màu hồng. McAfee, một trong những công ty phần mềm an ninh mạng lớn nhất thế giới, cảnh báo rằng 2013 sẽ là năm tin tặc gia tăng các mối đe dọa.

Cùng với công nghệ trực tuyến phát triển nhanh chóng từ máy tính cá nhân đến ĐTDĐ, các tội phạm trên mạng và tin tặc cũng sẽ cải tiến thủ thuật ăn cắp dữ liệu và phá hoại “cho kịp thời đại”. Hệ điều hành mới Window 8 và ngôn ngữ trình duyệt HTML 5 sẽ là đích ngắm chủ yếu của bọn chúng trong năm tới.

Để tự vệ, McAfee khuyên người sử dụng ĐTDĐ luôn cập nhật hệ thống điều hành. Một trong những mối đe dọa lớn nhất được dự báo sẽ gia tăng trong năm 2013 là phần mềm độc hại tìm cách ngăn chặn cập nhật an ninh mạng khiến cho điện thoại của bạn luôn trong tình trạng “lơ mơ” dễ bị đột nhập.

Về mặt xã hội, ZDNet dự báo WikiLeaks sẽ quay trở lại khuấy động dư luận xã hội và chính trị sau một năm tương đối im lặng, bất chấp việc ông chủ Julian Assange “bị giam lỏng” trong đại sứ quán Ecuador ở London (Anh). Trong khi đó, nhóm tin tặc Anonymous chuyên phản đối chính phủ kiểm duyệt internet vẫn tiếp tục quấy rối những công ty mà họ cho là vô đạo đức và khai thác mạnh các lỗ hổng an ninh. Cũng có triển vọng chính phủ một số nước lợi dụng tin tặc Anonymous để phục vụ lợi ích riêng.

Theo Người Lao Động

15 mẹo hay cho người mới dùng Android

Các mẹo dưới đây giúp bạn kiểm soát chiếc smartphone Android của mình dễ dàng hơn.

Nếu là lần đầu dùng điện thoại Android, bạn nên đăng nhập bằng tài khoản Google (giống với tài khoản để đăng nhập Gmail). Khi đồng bộ điện thoại với tài khoản Gmail, mọi thứ như lịch sử trình duyệt, lịch, email… sẽ sẵn sàng cho bạn.

Bạn cũng nên cho phép sao lưu lại dữ liệu điện thoại trên Google Account. Bằng cách này, khi không may bị mất điện thoại, bạn có thể nhanh chóng khôi phục lại cài đặt của mình.

Mỗi khi tải ứng dụng mới từ Google Play, bạn nên đặt chế độ tự động cập nhật Allow automatic updating. Cách này giúp ứng dụng tự động cập nhật phiên bản mới mà không cần xin phép.

Google Maps cho phép lưu trữ bản đồ ngoại tuyến. Khi có kết nối Wi-Fi, bạn mở Google Maps, chọn địa điểm muốn lưu rồi chạm vào biểu tượng 3 chấm tròn ở góc dưới bên phải màn hình rồi chọn “Make available offline”.

Trong phần Settings (cài đặt), bạn có thể đồng bộ điện thoại Android với các mạng và dịch vụ phổ biến như Facebook. Càng nhiều ứng dụng thêm vào, bạn càng dễ dàng chia sẻ các thứ như ảnh hơn.

Bằng cách trên, hình ảnh được chia sẻ dễ dàng mà không phải khởi chạy ứng dụng. Càng nhiều ứng dụng cài đặt trên điện thoại, danh sách lựa chọn sẽ càng dài ra.

Widget là những ứng dụng xuất hiện trên màn hình chủ và cung cấp thông tin thời gian thực như tin tức hay thời tiết. Bạn có thể chạm và kéo chúng ra màn hình từ thanh công cụ Widgets.

Mọi điện thoại Android đều có thanh widget cho phép bạn kiểm soát Wi-Fi, độ sáng màn hình và các chức năng cơ bản ngay từ màn hình chủ.

Trong mục cài đặt Bảo mật, bạn có thể cho phép điện thoại cài đặt ứng dụng từ các nguồn vô danh như trên website hay kho ứng dụng thay thế Google Play, chẳng hạn Amazon. Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận vì điều này đồng nghĩa thiết bị sẽ dễ bị nhiễm độc hơn.

Nền tảng Android mới nhất mang tới trợ lí ảo Google Now. Nó hoạt động như một công cụ tìm kiếm, song cũng có thể nhắc nhở bạn về các cuộc hẹn, chỉ đường và tra tỉ số trận đấu.

Android giúp bạn quản lí nhiều ứng dụng một lúc dễ dàng. Chạm vào phím đa nhiệm trên điện thoại cho phép bạn luân chuyển giữa các ứng dụng đang mở.

Nếu vuốt ngón tay theo chiều dọc màn hình từ đỉnh máy, trung tâm thông tin (notifications) sẽ mở ra, cho bạn biết tin nhắn, bài đăng Facebook hay Twitter mới…

Nếu muốn xóa ứng dụng ngay từ màn hình chủ, chỉ cần chạm, giữ rồi kéo vào nút “Remove” phía trên màn hình.

Bạn có thể lưu ứng dụng trong các thư mục (folder) bằng cách chạm, giữ và kéo chúng đè lên thư mục.

Bạn cũng có thể thêm đường dẫn tắt (shortcut) vào danh bạ từ ứng dụng People trên điện thoại.

Theo ICT News

Việt Nam: Chống trộm cho xe ôtô bằng điện thoại di động

Một chiếc điện thoại có GPRS. Một bộ thu và phát tín hiệu định vị nhỏ gọn. Rất đơn giản, nhưng nó sẽ khiến những tên muốn trộm xe của bạn “phát khóc”.

 

 

Lí do nên lắp hệ thống chống trộm cho xe

 

Vụ trộm xe hơi được ghi nhận xảy ra lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1896 do một nhóm thanh niên lêu lổng nhằm vào một chiếc xe chạy bằng khí nén sau khi chiếc xe này xuất hiện lần đầu trước công chúng.

 

Tính từ đó đến nay, xe hơi đã trở thành mục tiêu ăn trộm quen thuộc của những tên lưu manh vì chúng có giá trị cao, ăn cắp rồi bán lại cho người khác và thậm chí một hệ thống tiêu thụ xe ăn cắp đã được xây dựng ở rất nhiều nơi trên thế giới.

current-news-thief

Ở Việt Nam, ngoài các hệ thống chống trộm xe hơi dùng cảm biến và còi, cũng đã xuất hiện những hệ thống chống trộm hiện đại kết hợp định vị vệ tinh và sóng điện thoại. VT6 là một trong những hệ thống như thế.

 

VT6 là gì?

 

VT 6 là một hệ thống chống trộm thông minh nhưng lại rất đơn giản. Nó gồm một bộ thu và phát tín hiệu định vị nhỏ gọn gần bằng chiếc hộp danh thiếp. Trên thiết bị đó có lắp một chiếc sim di động của một mạng di động bất kỳ tại Việt Nam. Nhà cung cấp khuyến cáo khách hàng nên dùng sim của hãng di động có tầm phủ sóng rộng, và khách hàng nên đăng ký tài khoản trả sau để hệ thống làm việc được liên tục mà không phụ thuộc vào tình trạng tải khoản của sim.

 

Thiết bị thứ 2 chính là chiếc điện thoại của bạn có kết nối GPRS hoặc tốt hơn là điện thoại có tính năng GPS và được cài đặt hệ thống dẫn đường vệ tinh. Nhiều loại điện thoại di động thế hệ mới đều được trang bị khả năng này.

Điện thoại có kết nối Internet nhanh và hiển thị được bản đồ số và đặc biệt là có sử dụng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh thì khả năng tìm được xe bị đánh cắp càng nhanh.

 

Khi hệ thống được lắp đặt hoàn chỉnh, chiếc xe và máy điện thoại của bạn sẽ được kết nối với nhau thông qua sóng di động. Chính vì vậy khả năng tương tác là rất lớn, và cứ ở đâu có sóng di động là bạn có thể tương tác được với chiếc xe của mình. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng một chiếc máy vi tính, bạn sẽ được cung cấp một phần mềm giám sát. Sau khi kết nối Internet, bạn có thể theo dõi toàn bộ lộ trình hiện tại của chiếc xe cũng như trước đó. Với phần mềm giám sát trên máy tính, bạn có thể tìm được chính xác vị trí chiếc xe bằng bản đồ số hoặc ảnh chụp vị trí đó từ Google map, Google Earth.

 

Cách lắp đặt thế nào?

 

Thiết bị thu phát sóng báo động sẽ được lắp ở vị trí bí mật trên xe, tùy thuộc vào yêu cầu của chủ nhân. Trên các loại xe máy đắt tiền, thiết bị thu có thể đặt trong hộc chứa bình xăng, trong cốp, phía dưới bảng đồng hồ… Còn trên ô tô thì vị trí vô cùng đa dạng, có thể bên trong các cánh cửa, bên trong ghế, phía dưới bảng táp-lô, phía trong ốp trần xe… Với hệ thống dây điện được thiết kế chống can thiệp và việc bố trí bí mật của thiết bị, kẻ gian dù am hiểu kỹ thuật cũng phải mất nhiều thời gian trước khi phát hiện ra thiết bị, đủ để chủ xe tìm ra vị trí của xe và tiếp cận trước khi quá muộn.

 

Hệ thống hoạt động ra sao?

 

Ngay khi ổ khóa xe bị mở (cho dù bằng chính chìa khóa xe hay vam phá khóa) hoặc đơn giản là xe bị di chuyển vị trí, chiếc điện thoại nhận được tín hiệu báo động. Như vậy để tránh tình huống bị hệ thống “hiểu lầm”, chủ xe cần một thao tác đơn giản trước khi mở khóa điện là nháy điện thoại vào hệ thống để nó nhận biết thông tin rằng bạn chuẩn bị dùng xe.

image002

Trong quá trình xe bị người lạ phóng đi, hệ thống sẽ liên tục gọi và nhắn tin về điện thoại, cung cấp tọa độ (kinh độ và vĩ độ đối với các dòng điện thoại phổ thông và vị trí chính xác trên nền bản đồ số đối với các dòng điện thoại trung và cao cấp) cùng tốc độ đang di chuyển của xe. Bạn hãy nhanh chóng gửi một tin nhắn với câu lệnh đã được thiết lập trước đó để hệ thống tắt động cơ xe. Nếu điện thoại có tính năng GPS hoặc trên màn hình máy tính, bạn có thể quan sát trên bản đồ kỹ thuật số để biết vị trí của chiếc xe đang đứng, tên đường phố, chính xác đến từng mét.

 

Lúc này, công việc cuối cùng của bạn là đi theo chỉ dẫn của bản đồ kỹ thuật số đến chỗ xe đang đứng. Đương nhiên là trong trường hợp địa hình quá phức tạp (như có nhiều ngõ ngách) và bạn cảm thấy khó khăn, hoặc đơn giản là xe bị giấu trong nhà dân nào đó mà bạn không có quyền lục soát, thì ít ra thông tin mà thiết bị cung cấp cũng giúp các cơ quan chức năng khoanh vùng để tìm kiếm một cách nhanh chóng và dễ dàng.

 

Chi phí thế nào?

 

Hiện đã có một số nhà cung cấp và tư vấn về thiết bị này tại Việt Nam với chi phí không quá cao. Ngoài chi phí mua thiết bị thu phát tín hiệu báo động cùng công lắp đặt với tổng cộng khoảng 240USD (tương đương 4.880.000VNĐ), người dùng phải trả thêm một khoản phí khoảng 30USD (tương đương hơn 600.000VNĐ) một năm cho nhà cung cấp dịch vụ.

 

Thế Đạt  (Theo PL&XH)

 

 

Chống trộm xe máy bằng điện thoại

Chỉ cần một tin nhắn là có thể xác định được vị trí chiếc xe của mình ở bất cứ nơi đâu.

Không những thế, nó còn có thể thực hiện hàng loạt thao tác quản lý xe theo ý muốn như: khóa, mở yên, tắt máy, khởi động xe từ xa mà không cần chìa khóa…

Những điều thú vị ấy đã được hiện thực hóa bằng ý tưởng “Định vị và quản lý xe máy thông qua điện thoại di động” của Đoàn Thiên Phúc (SV năm 4, ngành Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM). Ý tưởng đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên năm 2010 do trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức.

Để làm được điều này, Phúc xây dựng hai phần mềm chạy trên điện thoại di động, một phần chạy trên hệ điều hành RIM cùng với thiết bị gắn vào xe máy là dòng điện thoại có hỗ trợ GPRS, EDGE hoặc 3G, nhưng chỉ cần sử dụng phần bo mạch điện tử bên trong, bỏ đi các thành phần không cần thiết như: camera, loa, bàn phím, vỏ… với giá hiện nay khoảng 200 ngàn đồng, bộ chống trộm 150 ngàn đồng, cộng thêm một vài linh kiện nữa tổng cộng khoảng 500 ngàn đồng. Điện thoại được trang bị một phần mềm chạy nền với sự hỗ trợ ngôn ngữ lập trình JavaScript và được cài phần mềm sử dụng bản đồ số Google Maps để liên lạc với chiếc xe của mình, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nhận và gửi tin nhắn theo cú pháp đã quy định trước như số điện thoại người gửi mật mã vị trí.

Phần còn lại chạy trên điện thoại di động của người dùng (viết trên nền J2ME) và xây dựng một server để quản lý xe máy, đồng thời thực hiện các chức năng như: Tìm xe trong bãi khi số lượng xe quá đông bằng cách nhắn tin để xe phát ra tiếng nhạc hoặc nhá đèn xi nhan, mở yên xe, tắt và đề máy xe từ xa mà không cần chìa khóa… ở bất cứ nơi đâu.

Khi thiết bị trong xe nhận được tin nhắn, phần mềm sẽ lọc và xử lý các yêu cầu được miêu tả trong tin nhắn để thực hiện các thao tác và nhắn tin trả lời cho người gửi. Chẳng hạn, khi thiết bị trong xe máy nhận được tin nhắn của chủ hỏi vị trí, ngay lập tức phần mềm sẽ load bản đồ Google Maps và cho người gửi biết vị trí của xe trên bản đồ, giúp chủ xe tìm được xe một cách nhanh nhất. Phần mềm trên điện thoại của người dùng còn có chức năng tìm đường đi ngắn nhất đến vị trí của xe nếu không may xe bị mất cắp.

Phúc chia sẻ: “Mình đã từng chứng kiến những vụ cướp xe một cách công khai giữa ban ngày. Tên cướp ngang nhiên cướp xe rồi chạy với tốc độ cao, lạng lách trên đường trước sự kêu la bất lực của khổ chủ nhưng cuối cùng chiếc xe không cánh mà bay. Trong trường hợp đó, nếu chiếc xe có gắn thiết bị điện thoại sử dụng phần mềm này thì chủ xe chỉ cần thực hiện một thao tác nhắn tin tắt máy xe. Khi xe chạy với tốc độ cao bỗng dưng bị tắt máy đột ngột thì trong xe sẽ phát ra những điệp khúc liên hồi do chủ xe đã mặc định sẵn bằng những hiệu lệnh như: xe đang bị cướp, nhờ mọi người bắt giữ kẻ cướp để giao cho công an, cộng với việc hú còi inh ỏi liên tục vang lên. Lúc đó tên cướp sẽ hoảng hồn và chỉ còn cách bỏ xe chạy lấy người”. Tính khả thi của phần mềm này là giá thành rất rẻ mà ai cũng có thể tiếp cận được.

Phúc cho biết: “Thông thường những chiếc xe máy đắt tiền hiện nay đều được chủ nhân trang bị các loại thiết bị chống trộm để quản lý xe có giá từ vài trăm ngàn đồng nhưng chỉ có thể điều khiển được xe trong khoảng cách hơn 100m thông qua một cái remote. Nếu sử dụng bộ định vị GPS thì giá khoảng 4 triệu đồng nhưng GPS thì không phải lúc nào cũng tìm được vệ tinh, chẳng hạn như những lúc đang ở trong nhà hoặc tầng hầm bãi giữ xe thì rất khó tìm được vị trí của xe”. Vì vậy, việc cho ra đời một thiết bị mới có giá khoảng 500 ngàn đồng nhưng lại có chức năng định vị và quản lý xe máy khắp nơi là sự lựa chọn tốt cho người dùng.

Theo Yahoo